Thầy Tàu Ly Kỳ Truyện - Quyển 6 - Cải Táng (Trường Lê)

Thầy Tàu Ly Kỳ Truyện - Quyển 6 - Tác Giả Trường Lê.

– CẢI TÁNG –

Chap 2 : Người Cháu Hiếu Thảo.

Nghĩa địa của thôn Phượng Bãi nằm tách biệt bên kia con mương, bên này mương là nơi bà con dân thôn sinh sống, bên kia mương là đồng ruộng, đất đai để canh tác hoa màu. Đi qua cây cầu bắc sang bên kia mương tiếp tục đi thẳng trên con đường đất sẽ đến khu vực nghĩa địa. Dân thôn Phượng Bãi từ xưa đến nay rất mê tín, nói ra thì cũng không phải xấu bởi họ chăm chút, nghiêm túc trong việc thờ cúng, xây cất mồ mả âu cũng là chuyện tốt, với những người lớn tuổi họ có quan niệm rằng con người sau khi chết đi, linh hồn vẫn còn ở lại để phù hộ, độ trì cho con, cho cháu….Thế nên việc nhang khói, thờ phụng, cúng bái phải đủ đầy. Chính vì thế, nghĩa địa thôn được quy hoạch ở một khoảng đồng riêng biệt. Các cụ trong thôn nói phải làm như vậy để những người sau khi chết đi được yên ổn, thanh tịnh, tránh những nhiễu nhương, ồn ào, thô tục của người sống. Thành thử ra, lâu lâu mới có người ra mộ để dọn dẹp cỏ dại, hoặc nhà nào cúng giỗ mới ra thắp hương cho mồ mả người thân để tránh kinh động người khuất.

Hầu hết tất cả dân thôn Phượng Bãi sau khi chết đều được chôn cất ở nghĩa địa này. Nói hầu hết bởi vì bà của Thuận không được chôn ở đây, 7 năm trước, bà Thuận qua đời, đúng lúc trong thôn mất mùa, trời hạn hán, đồng ruộng không có nước tưới tiêu, trồng cây gì cũng chết, cả thôn khó khăn vô cùng. Đến cả những nhà được coi là có của ăn của để thời điểm đó vẫn phải ăn cơm độn, còn những hộ nghèo như bà cháu Thuận bữa cháo loãng, bữa thì rau dại, nước uống còn phải tiết kiệm…..Có lẽ cũng bởi vì cuộc sống khó khăn đến cùng cực mà bà Thuận dần kiệt quệ và qua đời.

Không có tiền làm đám ma cho bà, đến cái áo quan cũng chẳng có, hôm bà mất, Thuận nước mắt lưng tròng, lòng đau như cắt từng khúc ruột. Cậu nhóc 16 tuổi một thân một mình không biết bấu víu vào đâu, lúc bà ngoại trút hơi thở cuối cùng Thuận chạy đi cầu cứu dân thôn, nhưng ngặt nỗi trong hoàn cảnh đói kém, bản thân còn lo chưa xong thì lấy gì để giúp, dân thôn không xấu nhưng quả thực họ không thể giúp được Thuận.

Trưởng thôn cùng 1 vài người đến nhà bà cháu Thuận, nhìn bà cụ gầy gò, buông thõng 1 cánh tay xuống giường chạm cả vào nền nhà, vị trưởng thôn nhắm mắt, thở dài nói :

– Bà cụ mất rồi, không làm đám ma thì cũng phải đem đi chôn cất.

Một người trong thôn đáp :

– Vậy thì phải mua quan tài, rồi đưa ra nghĩa địa đào huyệt….Nói không làm đám ma nhưng cũng phải khâm liệm chứ ?

Nhìn Thuận, nhìn bên trong ngôi nhà tranh vách đất sập xệ, chỉ có độc nhất 1 cái giường gỗ ọp ẹp mà bà cụ đang nằm, trưởng thôn ấp úng :

– Thằng bé còn nhỏ, hoàn cảnh nó thế nào dân thôn ai cũng biết…..Hay….hay là tôi đi quyên góp mỗi nhà một ít để mua cho bà cụ cái quan tài, cúng bát cơm, quả trứng….Như vậy có được không ?

Khi cái đói, cái nghèo hiện hữu con người ta sẽ trở nên ích kỷ, nghe đến quyên góp tiền mua quan tài, mấy người đi cùng trưởng thôn ai nấy cúi gằm mặt, im lặng không nói…..Thuận phủ phục bên thi thể bà ngoại khóc lóc, sụt sùi.

Một người thở dài :

– Hầy, trưởng thôn cũng biết thôn ta hiện giờ nhà nào cũng chật vật, nói mọi người thông cảm, đến con tôi đây ốm lay ốm lắt gần tháng qua mà trong nhà không có lấy 1 đồng để mua thuốc cho nó. Toàn phải hái lá thuốc giã ra cho uống, nhà chẳng còn 1 hạt gạo, giờ bảo góp tiền mua quan tài thì lấy đâu ra….

Người khác đồng tình :

– Anh Ba anh ấy nói đúng đấy, đến người sống cũng chẳng biết có qua được cái năm này không nữa là người chết rồi. Tiền ăn còn chẳng có lấy đâu ra tiền đóng góp…Có chăng chúng tôi chỉ góp được sức đào huyệt, đưa bà cụ ra đồng….Như vậy là trọn vẹn tình làng, nghĩa xóm lắm rồi.

Không trách được dân thôn, bởi bản thân trưởng thôn cũng đang ở trong hoàn cảnh giống như họ. Có trách chỉ biết trách ông trời, trách số phận, trách cái sự nghèo đeo bám mãi không buông tha.

Trưởng thôn nói :

– Vậy…thì phải làm…sao mới đúng đây…? Không lẽ cứ thế mà đem bà cụ đi chôn, không được đâu ? Người chết chôn phải có áo quan, sau này còn cải táng, chưa kể đến nghĩa địa là khu đất đồng, đào huyệt nước ngấm vào rồi chôn cất thế nào ?

Người khi nãy than con ốm đáp :

– Ôi dào, bác cứ khéo lo…..Chết còn chưa có quan tài đã lo đến việc cải táng, ngày xưa chiến tranh, người chết như ngả rạ, nạn đói còn chết đè cả lên nhau nằm la liệt….Rồi thì cũng đào 1 cái hố quẳng hết xuống lấp đất lên ấy thôi. Không có áo quan thì mình bọc vải bạt đem chôn, trong lúc khó khăn ngặt nghèo này phải chấp nhận thôi. Còn chuyện sang cát thì để đến lúc đó hãy tính, lo việc trước mắt đã.

Thấy trưởng thôn vẫn có vẻ không đồng tình, 1 người khác đưa ra ý kiến :

– Có phải trưởng thôn sợ đem bà cụ chôn ngoài đồng nước ngấm sau khó khăn trong việc cải táng phải không ?

Trưởng thôn gật đầu :

– Đúng là như vậy, tính tôi cứ hay lo xa…..Nhất là việc chôn cất người đã khuất, biết rằng khó khăn phải khắc phục nhưng làm gì thì làm cũng chu toàn, trước sau. Vậy cái tâm mình nó mới được thanh thản.

Người này tiếp :

– Thế thì tôi có cách này dựa trên ý kiến của anh Ba và bổ sung thêm như sau….

Trưởng thôn cùng người tên Ba đồng thanh hỏi :

– Cách gì ? Cậu Tuất nói đi.

Tuất chép miệng :

– Bây giờ thế này nhé, chúng ta vẫn chôn cất bà cụ bằng cách bọc vải bạt nhưng không đem ra nghĩa địa mà chôn ngay phía sau vườn nhà.

Trưởng thôn tròn mắt :

– Chôn…chôn sau vườn…Thôn ta từ xưa đến nay làm gì có ai chôn người chết sau vườn bao giờ ? Thôn có nghĩa địa không chôn lại đem chôn trong vườn…

Tuất đưa tay lên ra điều muốn trưởng thôn im lặng để mình nói tiếp :

– Chưa có thì bây giờ có, với nữa thực ra chuyện chôn người chết trong vườn hay sau nhà không phải chuyện gì hiếm có đâu. Chẳng qua là là cái phong tục, ở ngoài Bắc mình không chôn như thế chứ nghe nói trong Nam người ta chôn suốt. Mà chỉ có cách này mới vẹn toàn, hai bác nghe tôi nói đây….Chính vì không có quan tài nên không thể chôn ở ngoài nghĩa địa có đúng không ? Vậy thì sao không chôn sau vườn, nơi đây đất cao, khô ráo chẳng nước nào ngấm vào được, sau này giả dụ có đào lên để cải táng chẳng tiện hơn à ? Đào lên cứ cốt trong bạt mà bốc, bốc xong có điều kiện đưa bà cụ ra nghĩa địa, xây mộ, mồ yên mả đẹp lại chẳng nhất cử tam tứ tiện. Chưa hết, chôn sau vườn thằng Thuận vẫn được ở cạnh bà, việc chăm lo mộ phần cũng dễ dàng hơn. Chuẩn chưa nào ?

Sau khi nghe tay Tuất phân tích bỗng trưởng thôn cùng tay Ba thấy hợp lý vô cùng, vừa giải quyết được câu chuyện không có quan tài mà lại không sợ sau này khó khăn trong việc cải táng, vừa hợp tình lại vừa hợp lý.

Trưởng thôn bước lại gần Thuận, vỗ vai Thuận an ủi rồi khẽ hỏi :

– Thuận à, cháu cũng nghe mọi người nói rồi đấy…..Dù sao cũng là bà của cháu nên bác để cháu quyết định. Cháu muốn chôn bà ở nghĩa địa hay chôn ở vườn sau ?

Lấy tay quệt ngang lau nước mắt lẫn nước mũi, Thuận thút thít :

– Hức, nếu…vậy thì….cháu nhờ…mọi người giúp đỡ….chôn cất bà cháu ở vườn sau…..Chú Tuất nói đúng, chôn như vậy cháu được ở gần bà, chăm sóc mộ phần cũng tiện hơn…..Huhuhu….trăm sự…cháu xin nhờ mọi người….

Ngay chiều hôm đó, dân thôn góp được chút gạo nấu bát cơm, trên bát cơm đặt 1 quả trứng gà. Đồ cúng chỉ có vậy, bà con tới chia buồn, người giúp đào huyệt, người giúp đưa thi thể bà cụ vào vải bạt chuẩn bị đem chôn cất.

Trong lúc nhìn người ta bọc tấm vải bạt trùm kín thi thể bà ngoại, Thuận òa khóc nức nở, chạy tới bên giường Thuận lật tấm chiếu rồi đưa cho mấy người đang bọc vải bạt :

– Các….chú…các bác ơi…..Cuốn thêm cho bà cháu cái chiếu này với…..Ở dưới đó bà cháu sẽ đỡ lạnh hơn…

Một người hỏi :

– Có mỗi cái chiếu, mày đem cuốn cho bà rồi mày lấy gì để nằm ?

Thuận đáp :

– Cháu nằm đất cũng được, chú cứ cuốn thêm cho bà cháu cái chiếu….Hức…hức….

Chiều theo Thuận, thi thể bà cụ được cuốn thêm cái chiếu trước khi hạ huyệt mà không có áo quan……Người ta lấp đất lại rồi đắp 1 cái ụ trát bùn bên ngoài….Mới đó mà đã 7 năm trôi qua.

“ ỘP….ỘP….ỘP “

“PHỤP”

“ÓE….OÉ….ỘP….ỘP “

Hai tay vừa vồ trúng 1 con ếch cỡ bự, phải hai tay cầm mới chắc, Thuận sung sướng khi chỉ trong vòng hơn 1 tiếng đồng hồ mà đã bắt gần đầy giỏ. Con nào con nấy to béo đúng như ếch của thằng Nhút mà Thuận từng nhìn thấy. Chân tay, mặt mũi lấm lem, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, Thuận đưa tay lau mồ hôi trên trán, trong lòng mừng rỡ vì đã không uổng công đánh bạo ra nghĩa địa soi ếch.

Thuận nghĩ trong đầu :

“ Bà ơi, bà đợi cháu thêm một thời gian nữa….Nhất định cháu sẽ mua cho bà 1 chiếc quan tài, sẽ đưa bà ra nghĩa địa và xây mộ cho bà….Cháu sắp đủ tiền rồi bà ạ….”

Đúng vậy, 7 năm qua Thuận cố gắng dành dụm, đêm hôm mò mẫm nơi đồng ruộng là để dồn tiền cải táng cho bà ngoại……

Advertisement