Chap 43 : “ Cổ Mộ “
Mẹ con bà Hậu ra về, bà Vân tiễn ra đến cổng….Vừa lau lau hai bàn tay ướt vào vạt áo, bà Vân vừa cười chào cảm ơn bà Hậu :
– Thế cô Hậu với cháu Hào về nhé…..Hôm nay lu bu quá nên chưa nói chuyện được nhiều, nhưng cô cứ yên tâm, đợi vài hôm nữa sức khỏe ông nhà tôi ổn định lại kiểu gì tôi cũng làm mâm cơm, vừa để cảm tạ trời phật, vừa là dịp mời mấy chỗ thân tình đến chung vui. Có gì khi đó cả nhà nhớ tới đấy…..Cảm ơn hai mẹ con, mưa gió thế này….
Bà Hậu đáp :
– Dạ vâng, nhìn thấy bác Tới khỏe lại em cũng mừng…..Tính ở thêm lúc nữa mà ở nhà có 1 mình con bé Huyên nên em về luôn đây. Bác vào nhà đi, chúc mừng gia đình bác nhé….Phúc đức quá ạ.
Hào cũng chào bà Vân rồi hai mẹ con lên xe đạp quay về nhà…..Vừa đèo mẹ, Hào vừa hỏi :
– Bác Tới khỏe lại thì cũng mừng thật…..Nhưng con cứ thấy sao sao ấy mẹ ạ. Có cái gì đó không giống bác ấy lúc chưa ốm.
Bà Hậu nói :
– Mày cũng thấy thế à ?
Hào gật đầu :
– Vâng, bác Tới là bạn của bố, từ xưa đã nổi tiếng là hiền lành, thật thà….Chẳng bao giờ đánh mắng, chửi bới hay quát nạt ai bao giờ….Con nhớ hồi cưới anh Hiếu, con hôm đó lỡ tay làm vỡ cái bình cổ gia truyền nhà bác ấy mà bác ấy còn giấu cho con….Bảo đừng để cụ Ngọ biết không cụ chửi chết. Cũng phải 4-5 năm trước rồi….Thế mà ban nãy con thấy bác ấy quát bác Vân, chửi vợ chồng anh Hiếu mà con giật mình.
Bà Hậu ậm ờ, suy nghĩ một lúc, bà Hậu đáp :
– Mày nói mẹ mới nhớ, cái giọng của ông Tới khi nãy giống đặc giọng của bố ông ấy là cụ Ngọ. Cụ Ngọ thì thôi rồi, khó tính, khó nết mà chua ngoa không ai bằng. Ngày còn sống gớm ghê lắm, không ưa gì bác Vân đâu, toàn chê với chửi con dâu thôi, mà ai cụ ý cũng chửi, chửi vợ, chửi con, chửi cả cháu…..Thế mà đẻ ra bác Tới lại khác tính 1 trời 1 vực, nói vui mồm chứ bác Tới mà cái mặt không giống cụ Ngọ thì chẳng ai bảo con của cụ. Có khi nào ốm dậy xong đổi tính đổi nết không ? Lúc gần về, mẹ còn nghe loáng thoáng thấy cụ Cói nói với thằng Hiếu cái gì mà cụ Ngọ về để bắt cụ Cói đi…..Nhìn cụ Cói sợ run lẩy bẩy cứ bám lấy tay thằng Hiếu trông thương lắm.
Hào nghe mà rùng mình, Hào ấp úng :
– Thật….thế hả mẹ ? Nhìn bác Tới con cứ thấy sợ sợ…..Thôn mình mấy hôm nay toàn chuyện dị thường…..Người thì chết bất đắc kỳ tử, người ốm nặng tưởng sắp chết thì lại tỉnh dậy khỏe mạnh…..Từ lúc ở nhà ông Nhẻm xong đến nhà bác Tới, con cứ có cảm giác bất an..
Không chỉ riêng Hào mà ngay cả bà Hậu cùng mọi người trong thôn đều có chung nỗi lo lắng. Kể từ sau cái chết của thằng Nhút, cho dù là người lạc quan nhất cũng bắt đầu cảm thấy thôn Phượng Bãi đang có gì đó biến đổi theo chiều hướng xấu.
Đạp xe trên đường, đến gần cổng đình Nghè, Hào thấy có người tay cầm ô đang đi về hướng đình. Nhận ra người đó là ông Kha trưởng thôn…..Dừng xe lại, Hào chào hỏi :
– Bác Kha, bác ra đình à ?
Ông Kha nhìn Hào gật đầu :
– Ừ, hôm nay các cụ trong đình gọi họp….Trước là để báo cáo số tiền làm đám ma cho bố con ông Nhẻm, sau là xem xem còn lại bao nhiêu để tới đây quyết định trùng tu, sửa sang lại đình.
Bà Hậu nói :
– Dạ, các cụ tính như vậy là đúng đấy bác ạ. Không phải chê gì đâu nhưng mà đình ở thôn ta cũ nát quá rồi. Tôi sang thôn kế bên là thôn Phương Bản, bên đó có cái đình gọi là đình Bảng to lắm. Nghe đâu riêng đá để lát nền mà họ cũng dùng toàn đá hoa cương, tượng thờ thành Hoàng, tượng Phật cũng toàn bằng đá nguyên khối.
Ông Kha đáp :
– Ừ thì bên đó dân người ta giàu, con cái toàn xuất ngoại đi lấy chồng tây, thế nên mới đóng góp được nhiều để mà làm lớn…..Thôn ta mấy đời nay lo chạy ăn từng bữa, không phải bà con mình không có tâm để đình thôn sập xệ, mục nát, mà bởi còn nghèo, còn đói thì nói gì đến chuyện tu sửa, tân trang…..Đấy, nói ngay như sắp tới đây có làm cũng là tiền quyên góp, dành dụm của cả thôn 4-5 năm trời. Mà kinh phí chắc cũng chỉ đủ để lợp lại mái ngói, đóng giằng lại một số cây cột trụ chính trong đình….Chính vì nhìn sang thôn người ta xong nhìn lại thôn mình nên các cụ mới chạnh lòng. Cộng với mấy hôm vừa rồi trong thôn xảy ra toàn chuyện đáng sợ, thành thử các cụ mới gọi tôi đến gấp rút chuẩn bị cho việc tu sửa lại đình. Nói chứ, các cụ cũng bảo do dân thôn ta bao năm qua không chú trọng đến việc sửa sang lại đình nên có khi gặp họa. Vậy nên, sắp tới cũng phải tổ chức 1 cuộc họp, mời toàn thể bà con đến, ăn bao nhiêu cũng hết…..Mỗi nhà chúng ta chung tay, gắng thêm 1 ít để cùng tu sửa lại ngôi đình.
Bà Hậu gật đầu :
– Các cụ lo như thế là phải..Xưa nay chuyện tâm linh không đùa được đâu, thôn người ta ăn nên làm ra, giờ nhà nào cũng là nhà gạch, không 2 tầng thì cũng là nhà ba gian…..Thôn mình vẫn còn nhà tranh vách đất, nhà gạch ba banh ruội hết cả tường. Nhà tôi may mắn có chồng đi làm xa tuy khá hơn mọi người 1 chút nhưng cũng vất vả lắm. Cơ mà nếu có vận động đóng góp, kiểu gì tôi cũng thêm chút ít. Thôi, không làm phiền bác vào họp với các cụ, mẹ con tôi về đây….Chào bác Kha nhé.
Mẹ con bà Hậu chào ông Kha rồi tiếp tục đạp xe ra về…….Đi được 1 đoạn thì trời bắt đầu đổ mưa, vội trùm cái áo mưa lên người, Hào cong mông đạp thật nhanh. Giữa trưa mà trời đất cứ âm u, mờ mịt, mưa còn có cả sương mù không hiểu kiểu gì.
Về phần ông Kha trưởng thôn, vào đến trong đình cũng là lúc trời đổ mưa rào…..Các cụ đã có mặt đang ngồi nhâm nhi chén trà đợi sẵn.
Thấy ông Kha, cụ Đồng, người lớn tuổi nhất thôn lên tiếng :
– A, nhà anh Kha đây rồi…..Các cụ đợi anh nãy giờ, cuối cùng thì anh cũng đến.
Ông Kha cười xòa xin lỗi các cụ :
– Các cụ thông cảm cho con, nhà có 2 vợ chồng, con phải phụ vợ con cho mấy con lợn ăn xong mới đến hầu chuyện các cụ được….Gì thì gì muốn lo chuyện thôn thì phải xong chuyện nhà trước, phải không các cụ….
Các cụ toàn bậc bô lão nhưng ai cũng khỏe mạnh, lắm cụ móm rụng hết cả răng nhưng chân đi còn cứng cáp lắm, cứ họp hành gì thì dù mưa gió các cụ cũng góp mặt đông đủ.
Ngoài cụ Đồng thì còn cụ Cẩn, cụ Cần, cụ Khiết và cuối cùng là cụ Đam, xếp theo độ tuổi thì cụ Đồng đứng đầu ( 80 tuổi ), sau đến các cụ là Khiết (78 tuổi), cụ Đam (77 tuổi), cụ Cần (75), cuối cùng là cụ Cẩn ( 74 ).
Ổn định chỗ ngồi, ông Kha báo cáo chi tiết với các cụ về số tiền các cụ trích ra làm đám ma cho bố con ông Nhẻm hết tất cả bao nhiêu….Trong đó có ghi rõ cụ thể từng mục phải chi, nào là áo quan, tiền mua đồ cúng, tiền mua thức ăn làm cơm, tiền hoa quả…..Còn đâu những việc dùng đến sức người thì bà con trong thôn chung tay. Đám ma cũng diễn ra nhanh chóng nên không tiêu tốn quá nhiều…..Sau khi các cụ thống nhất xong chuyện đám ma, bắt đầu nói đến việc tu sửa lại đình Nghè.
Cụ Đồng chú trọng :
– Việc tu sửa lại đình Nghè là việc cần phải làm gấp…..Tuy nhiên có 1 việc theo tôi nghĩ cấp bách hơn cả…..Trước khi sửa lại đình thì chúng ta phải làm xong việc này trước.
Ông Kha hỏi :
– Là việc gì vậy cụ ? Cụ nói rõ hơn chút được không ?
Cụ Đồng nhấp ngụm trà rồi nói tiếp :
– Đó là việc đắp vá lại ngôi mộ bị sụt lún ở ngoài nghĩa địa thôn. Ngôi mộ đó là ngôi mộ cổ xưa, đã tồn tại cả trăm năm…..Không thể để sụt lún, nứt vỡ như vậy được…
Ông Kha tròn mắt :
– Thật…thật hả cụ….Ngôi mộ ụ tròn quét sơn trắng ấy mà cả trăm năm tuổi thật ư…?
Cụ Đồng thở hắt ra trả lời :
– Nói trăm năm tuổi là còn ít đấy…..Tôi năm nay đã 80 tuổi, mà thời bố mẹ tôi là đã có ngôi mộ ở đó rồi…..Tuổi ngôi mộ còn hơn cả ngôi đình mà chúng ta đang ngồi đây. Ngày xưa khu đất đó không phải nghĩa địa đâu…..Lúc phát quang lấy đất trồng trọt thì các cụ ngày ấy mới phát hiện ra dưới mặt đất lại nhô lên 1 tảng đá bàn, bề mặt tảng đá xuất hiện những gồ hình bán nguyệt xếp so le nhau nhìn giống như vảy rồng. Tảng đá phải rộng hơn 1 sải tay người, vuông vắn, góc cạnh…..Có người cố tình dùng cuốc, cuốc vào tảng đá khiến 1 miếng vảy bị nứt. Ngay sau đó người này mắt trợn ngược, ngã vật ra đất thổ huyết chết tươi. Mọi người ai cũng sợ không dám chạm vào tảng đá vảy rồng đó nữa…..Về sau khi nhờ thầy phong thủy đến xem thì thầy nói đó là nền móng của 1 ngôi mộ cổ. Đất ở đó không thể canh tác, trồng trọt được….Nhưng nếu dùng ngôi mộ làm điểm trung tâm, sau đó chôn cất người chết trong thôn ở quanh khu đất đó thì cuộc sống sau này sẽ vượng phát, ấm no, trong thôn xuất hiện nhân tài…..Thế là khu đất ấy trở thành nghĩa địa của thôn Phượng Bãi.
Ông Kha nghe xong thì cười nhạt, đoạn nói :
– Cụ nói thế nào, nếu mà được như vậy thì cái thôn này bao đời nay đâu nghèo đói, bà con đâu phải khổ sở đến thế…..Với nữa con thấy ngôi mộ cũng bình thường như bao ngôi mộ khác…..Đâu thấy đá bàn với vảy rồng ở đâu đâu ? Con hỏi khí không phải, có gì cụ tha cho con…..Nhưng mà mấy chuyện cụ vừa kể là bản thân cụ chứng kiến, cụ cũng nhìn thấy tảng đá vảy rồng ấy rồi ạ ?
Cụ Đồng đáp :
– Chuyện về tảng đá vảy rồng tôi cũng được nghe các cụ ngày xưa kể thôi….Đến khi tôi lớn thì khu đất đó cũng bị sụt lún….Các cụ ngày ấy cũng phải cho xây cất cao lên để đánh dấu vị trí ngôi mộ cổ. Nhà anh Kha hỏi kháy tôi phỏng ? Tôi già ngần này tuổi đầu, chẳng lẽ tôi lại đi thêu dệt, dựng chuyện với nhà anh….
Các cụ còn lại cũng đồng tình với cụ Đồng :
– Cụ Đồng nói đúng đấy, thời các anh bây giờ không hiểu lại nói chúng tôi đơm đặt….Chứ ngày xưa, thôn Phượng Bãi ta rất nổi tiếng vì có ngôi mộ cổ…..Không phải vì chiến tranh có phần tàn phá thì có nhiều thứ phải thành di tích lịch sử…..Tôi còn nhớ ngày đó có đông các thầy phong thủy, thầy địa lý từ khắp mọi nơi tìm về đây hỏi han, dò la tin tức…..Ngoài mộ cổ đá vảy rồng thì hồi xưa còn giếng ngọc, cây mít tứ thân, miếu tiên cô….Với nữa hồi đó thôn ta không nghèo…..Sau này trải qua 2 cuộc chiến tranh, khi mọi thứ bị bọn giặc tàn phá, đến đời chúng tôi, đời các anh mới nghèo, mới khổ…..- Cụ Đảm vừa nói vừa thở dài.
Nhìn ông Kha vẫn chưa có vẻ gì là tin lắm, cụ Đồng mỉm cười :
– Được rồi, anh Kha không tin thì để ngày mai, tôi sẽ tìm cho anh Kha quyển sách chép tay có hình vẽ về những thứ mà chúng tôi vừa nói….Là sách cổ được chính tay các cụ thời xưa viết bằng chữ Nôm, chỉ sợ anh đọc không hiểu, nhưng trong sách cũng vẽ lại hình ảnh đá bàn vảy rồng, miếu tiên cô, giếng ngọc và cây mít tứ thân….Còn bây giờ, ý kiến của chúng tôi là phải đắp, vá, sửa sang lại ngôi mộ ở trung tâm nghĩa địa thôn Phượng Bãi…..Việc này giao lại cho anh….
Lời các cụ đã quyết không ai dám cãi, chẳng biết thực hư mấy chuyện các cụ vừa nói ra sao nhưng việc đắp lại ngôi mộ bị sụt cũng là điều cần làm nên ông Kha thống nhất, đồng ý với quyết định của các cụ……Vừa nhấp môi uống được ngụm trà thì ông Kha cũng như các cụ hốt hoảng giật mình bởi tiếng ai đó gọi lớn bên phía ngoài sân đình :
– BÁC KHA….BÁC KHA ƠI……CÁC CỤ ƠI…..CÓ AI Ở Đ Y KHÔNG ? XẢY….XẢY….RA CHUYỆN….LỚN RỒI……