Chap 97 : “Tứ Bảo”
Dẫn các cụ quay trở ra trước cổng đình, nơi có đặt tảng đá lớn khắc bức phù điêu “Long - Phụng Chầu Nhật - Nguyệt “. Không để các cụ phải chờ đợi lâu, thầy Lương nói :
– Các cụ, hãy nhìn vào hình rồng được điêu khắc trên tảng đá hoa cương này. Đây chính là “Rồng Thời Lê”.
Cụ Cần khom lưng, ghé mặt nhìn sát vào hình con rồng được khắc trên tảng đá lớn trước cổng đình. Nhìn xong cụ chép miệng :
– Rồng thì đúng là Rồng rồi, nhưng nhìn đâu mà ông…à không, lại nhầm, anh nói đây là Rồng thời Lê ? Tôi chẳng thấy có ghi chữ hay gì cả….Căn cứ vào đâu ?
Cụ Đồng cũng đồng tình :
– Đúng đó, đã là Rồng thì thời nào chẳng giống thời nào…..Đừng tưởng chúng tôi già mà lòe, thích nói gì thì nói nhé.
Thầy Lương tiếp :
– Các cụ, xin cứ bình tĩnh nghe tôi nói hết đã…..Rồng là biểu tượng của rất nhiều nước, Người ta tin rằng Rồng là sinh vật cao quý, đại diện cho hoàng tộc và các bậc đế vương. Biểu thị cho sự thịnh vượng, là linh thú sánh ngang với trời đất, thánh thần. Mỗi một đất nước, mỗi một quốc gia lại có những hình tượng, mô tả về Rồng khác nhau. Việt Nam cũng vậy, thậm chí, trong các triều đại phong kiến thì hình tượng Rồng ở mỗi triều đại lại có chút khác biệt. Tôi lấy ví dụ như ở thời Lý, Rồng được mô tả có thân dài, uốn lượn, dọc sống lưng có một hàng vảy thấp tỉa riêng ra từng cái, đầu vây trước tựa vào hàng vây sau. Bụng là đốt ngắn như bụng rắn, có bốn chân, mỗi chân có ba ngón phía trước, không có ngón chân sau, đầu luôn ngẩng lên, miệng thì há to, mép trên của miệng không có mũi, kéo dài ra thành một cái vòi uốn mềm mại, vươn lên cao, vuốt nhỏ dần về cuối. Ờ thời Trần, hình tượng Rồng cơ bản vẫn giữ dáng dấp như thời Lý…Nhưng phần đầu Rồng lại có chút khác biệt khi không còn quá phức tạp như Rồng thời Lý. Đầu Rồng vẫn vươn lên trên nhưng không uốn nhiều khúc. Chiếc răng nanh phía trước khá lớn, vắt qua sóng vòi. Rồng thời Trần lượn khá thoải mái với động tác dứt khoát, mạnh mẽ. Thân rồng thường mập chắc, tư thế vươn về phía trước. Hình tượng Rồng ở 2 triều đại này chân chỉ có 3 hoặc 4 móng….
Cụ Đồng chạm tay vào phần móng rồng được khắc trên tảng đá, đoạn lẩm nhẩm đếm :
– 1…2…3…4..5….Ờ đúng thật này, con Rồng ở đây có tận 5 móng lận các cụ ạ….
Cụ Khiết ngó lại xem, xong tặc lưỡi :
– 5 thì sao ? Cũng đâu có gì để khẳng định ngôi đình này được xây vào thời Hậu Lê…..Nói gì nói, tính ra cũng phải hơn 200 năm rồi. Sao lâu như thế được….Tôi chả tin.
Thầy Lương mỉm cười :
– Vậy mà lại có khác biệt đó thưa các cụ…..Trong quan niệm từ thời xa xưa, Rồng 3 móng (Tam Trảo ) tượng trưng cho “Thiên - Địa - Nhân “ hay còn gọi là “Thiên Thời - Địa Lợi - Nhân Hòa “. Còn Rồng 4 móng (Tứ Trảo) biểu thị cho Tứ Phương ( Đông - Tây - Nam - Bắc ) và Tứ Mùa ( Xuân - Hạ - Thu - Đông ). Cho tới thời Lê, hình tượng rồng đã hoàn toàn thay đổi so với Rồng thời Lý - Trần. Rồng thời Lê qua những bức điêu khắc trông uy nghiêm hơn, dữ tợn hơn với phần đầu lớn, râu bờm. vây được tạo hình sắc nhọn như dao mác, Rồng có 5 móng (Ngũ Trảo) tượng trưng cho Ngũ Hành ( Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ ). Với những đặc điểm trên, tôi có thể chắc chắn đây chính là “Rồng Thời Lê”.
Cụ Đồng cùng những cụ khác gật gù ra chiều hợp lý…..Nghe thầy Lương phân tích về hình tượng rồng qua các thời kỳ mà các cụ như mở mang đầu óc. Thực sự thì chưa khi nào các cụ lại nghĩ hình 1 con rồng điêu khắc trên đá lại mang nhiều ý nghĩa đến như vậy…..Tuy nhiên, bản thân ông Kha cũng vẫn thấy lấn cấn, bởi chỉ với 1 bức điêu khắc thì không thể nào khẳng định được đình Nghè được xây dựng vào thời Hậu Lê. Vì sau này với hình tượng “Rồng Thời Lê”, người ta hoàn toàn có thể điêu khắc trên những di chỉ đình, chùa giống như vậy.
Ông Kha nói :
– Bác Lương, dù đây là “Rồng Thời Lê” thì cũng chưa thể khẳng định ngôi đình này được xây dựng từ thời nhà Lê được…
Thầy Lương tiếp :
– Đúng vậy, đây mới chỉ là bằng chứng đầu tiên….Tiếp theo tôi muốn nói đến kết cấu của ngôi đình này. Đình Nghè có kết cấu chồng rường, bao gồm 7 gian 2 chái…Tuy nhiên đã bị bom đạn do chiến tranh phá hủy đi 1 phần nên không còn nguyên vẹn. Đình được xây theo kiến trúc nhà sàn, với 6 hàng cột ngang, 10 hàng cột dọc. Tất cả các cột đều là gỗ lim được kê trên những khối đá xanh….Các cụ có biết, riêng tòa đại đình của thôn ta được xây theo hình chữ gì không ạ ?
Cụ Đồng trả lời :
– Là chữ “ 丁 ” ( chữ Đinh ).
Thầy Lương gật đầu :
– Dạ đúng là chữ “Đinh” thưa cụ……Căn cứ vào kết cấu của ngôi đình này, Lương tôi thấy đình Nghè có kiến trúc rất giống với 1 ngôi đình cổ được xây dựng từ năm 1700 đến năm 1736, mất 36 năm mới hoàn thành….Đó là 1 ngôi đình nổi tiếng ở Bắc Ninh mang tên đình Bảng. Từ kết cấu cho tới kiểu dáng, rường cột, mọi thứ đều trùng khớp chỉ có khác về kích thước khi đình thôn ta nhỏ hơn 1 chút. Nhưng không phải là giống hoàn toàn, ở đình Bảng không có bức phù điêu đá lớn như ở đình Nghè…..Bên cạnh đó, với kiến trúc vững chắc như trên thì 100 năm không thể khiến đình thôn ta xuống cấp tới mức độ này. Niên đại của đình chắc chắn còn lâu hơn thế rất nhiều…
Bấy giờ cụ Đồng mới phá lên cười, đoạn xua tay :
– Chà, nghe đến đây thì phải nói người nhà anh Kha quả nhiên rất có hiểu biết, rất am tường về kiến trúc cổ cũng như lịch sử qua các triều đại. Chứng tỏ anh là người đi nhiều, biết rộng…..Tuy nhiên suy đoán cuối cùng vẫn chỉ là suy đoán, tôi vốn muốn để anh nói xong mới đưa ra bằng cớ xác thực. Chẳng phải đi đâu xa, anh xem phù điêu, anh xem tòa đại đình, rường cột, mấy gian…….thế nhưng cái quan trọng nhất anh lại không xem đó là bia đá ở ngay cột đình bên tay phải. Ở đó có ghi rõ đình Nghè được kiến tạo, khởi công xây dựng vào năm 1900. Chẳng lẽ người xưa lại ghi sai sao ?
Vẫn giữ nụ cười hiền từ trên môi, thầy Lương cung kính đáp :
– Dạ thưa cụ, tôi đã có xem qua tấm bia đá đó….Văn tự trên tấm bia được khắc bằng chữ Hán…..Tuy nhiên, ngoài việc các cụ hiểu sai nghĩa của văn tự khắc trên bia ra thì tấm bia đó là 1 tấm bia giả.
Thầy Lương vừa dứt lời, ngay lập tức mặt mũi các cụ tối sầm lại….Cụ Đồng, cụ lớn tuổi nhất trong thôn Phượng Bãi giận đến run cả tay…..Nhưng nhìn thầy Lương râu tóc bạc phơ, dung mạo hiền lành nên cụ cố kìm chế.
Cụ Đồng nói :
– Nhà cái anh kia, đừng tưởng anh có họ hàng với trưởng thôn mà chúng tôi không dám làm gì anh….Cổ nhân có câu, mồm nói đầu phải nghĩ….Ăn bậy được chứ không thể nói bậy. Dù đình thôn tôi có sập xệ, có cũ nát, xuống cấp…..Thế nhưng bao đời nay đây là nơi tôn nghiêm của bà con trong thôn. Bia đá đó tồn tại từ đời cha ông chúng tôi…..Sao….sao anh dám…nói…là bia giả….? Nếu hôm nay anh không làm rõ chuyện này…..Tôi…tôi không tha cho anh…đâu…..Khụ…khụ…khụ….
Ông Kha vội đỡ cụ Đồng, cụ Đồng tức đến mức tăng xông, vừa mắng thầy Lương vừa loạng choạng ho khù khụ…..Các cụ khác cũng tức giận không kém, ông Kha đứng ở giữa cũng chẳng biết phải làm sao cho đúng. Tin tưởng thầy Lương nhưng lời cụ Đồng nói cũng không sai, từ nhỏ tới giờ, ông Kha đã thấy cái bia đá ở vị trí đó…..Thời cụ Đồng cũng đã có bia, năm nay cụ Đồng 80 tuổi thì ít nhất bia đá cũng phải ngang tuổi cụ. Làm sao có thể giả, mà ai lại làm giả cái bia để làm gì…..
Ông Kha ấp úng :
– Kìa bác Lương, sao bác lại nói vậy……Cái bia đó còn hơn cả tuổi tôi, sao lại là giả được chứ ?
Thầy Lương bình tĩnh đáp :
– Dạ thưa các cụ, tôi biết khi nói ra điều này sẽ khiến các cụ cảm thấy nghịch nhĩ, khó nghe lọt tai…..Thế nhưng sự thật vẫn là sự thật, bia thật đã bị thay thế bởi 1 tấm bia đá, tôi nói là bia giả cũng đâu có sai……Còn 1 điểm nữa, văn tự khắc bằng chữ Hán trên bia đá đúng là có viết đến năm 1900….Tuy nhiên đó không phải là năm xây dựng ngôi đình này, mà là năm dựng tấm bia đá thay thế cho tấm bia cũ đã bị đánh cắp. Có thể các cụ nhầm lẫn trong việc dựng bia thành xây dựng đình.
Cụ Đồng không phải người am hiểu về chữ Hán, có biết thì cụ cũng chỉ biết sơ sơ chút chữ Nôm….Tất cả ghi chép của đình từ xưa tới nay đều được đời trước truyền lại, các cụ thời trước nói sao thì đời sau biết vậy……Nghe thầy Lương trình bày xong, đột nhiên các cụ lại thấy thắc mắc, nghi vấn chính sự hiểu biết của bản thân mình.
Thật thật, giả giả cứ lẫn lộn hết cả lên, chẳng biết đường nào mà lần……Cụ Đồng dịu giọng :
– Nhưng…sao lại là bia giả ? Chỉ là 1 bia đá thôi mà ? Ai lại đi lấy làm gì ?
Thầy Lương trả lời :
– Tấm bia bị lấy mất không phải bia đá, mà là đồng đen…..Trong đình này có “Tứ Bảo” nôm na là 4 thứ đồ được coi là bảo vật : Phù Điêu Đá - Cột Gỗ Lim - Bia Đồng Đen và cuối cùng là Tượng Phật Vàng…