Thầy Tàu Ly Kỳ Truyện - Quyển 6 - Cải Táng (Trường Lê)

Chap 27 : “ Người Dẫn Đường “

Gần 3h chiều, trời buổi trưa đang nắng, thế mà chẳng hiểu sao dần về đầu giờ chiều lại âm u như kiểu sắp mưa…..Loay hoay suốt từ sáng, đến lúc này ông Kha cùng bà con trong thôn Phượng Bãi mới chôn cất cho bố con ông Nhẻm được chu toàn. Hai nấm mồ ngay bên trong khoảng đất nhỏ phía sau nhà đang được mọi người đắp lên những tảng bùn xắn vuông vắn cuối cùng. Người đắp mộ, người chỉnh phần mộ u lên căn ke sao cho cân đối, hợp mắt nhất có thể.

Ông Nhành lau mồ hôi, thở phì phò :

– Hộc…hộc…gần xong rồi…đấy…..Chỉnh lại một tí, lấy bùn nhão trét vào từng khe hở nữa…là ổn…..Thế còn….bia…mộ…thì tính sao ?

Ông Kha đáp :

– Bia mộ tôi cũng đặt ở chỗ làm quan tài rồi….Nhưng họ bảo phải ngày mai mới lấy được….Báo gấp quá, làm xong 2 cái áo quan cũng là cố gắng lắm rồi. Cảm ơn bà con, không có bà con chung tay giúp đỡ thì tôi cũng chẳng biết phải xoay sở thế nào.

Cô Tình cùng một số người khác nói :

– Chuyện trong thôn bác đã có lời như thế chúng em sao dám từ chối…..Bảo không sợ cũng không phải, nhưng đúng là không thể bỏ mặc bố con ông ấy như vậy được. Đời người ai mà chẳng 1 lần phải chết, nghèo khổ cũng nghèo bao năm nay rồi….Chẳng lẽ vì sợ mà đến tình làng, nghĩa xóm cũng đem vứt đi…..Sống như thế sao được, em nói thế có đúng không các bác ?

– Bác Kha nói thế thì khác nào coi chúng tôi như người ngoài.

– Việc tuy nhiều với vất vả cơ mà mỗi người 1 tay 1 chân kiểu gì cũng xong.

Ông Tảo gật gù :

– Nhà cô Tình nói chí phải, nghĩa tử là nghĩa tận…..Không giấu gì các ông các bà, lúc ở ngoài nghĩa địa tôi cũng sợ tí thì vãi cả ra quần…..Nhưng thấy thằng cháu Thuận với bác Kha đây chẳng nề hà, tôi thấy xấu hổ quá. Chuyện ma, chuyện quỷ chẳng biết có thật hay không nhưng mà chuyện người, chuyện đời trong cái thôn này từ thời ông bà, cụ kỵ chúng ta mới là thật này…..Ngày xưa chiến tranh, đói kém, các cụ còn bảo bọc, giúp đỡ nhau. Tuy chúng ta hiện tại cũng chẳng sung sướng gì nhưng cái truyền thống bà con trong thôn tương thân tương ái nhất định phải giữ gìn….Bác Kha nhỉ ?

Ông Nhành tặc lưỡi :

– Đấy, nói như thế mới đúng…..Thôi thì hồi sáng ngoài nghĩa địa, tôi có hơi lỡ lời….Có gì chú bỏ qua cho tôi nhé…..Ngày mai rảnh sang nhà tôi uống chén rượu…

Ông Tảo cười đáp :

– Vâng, tại anh tại ả, tại cả đôi bên…..Bác cũng cho em xin lỗi, người cùng thôn cả……Xí xóa bác nhé.

Hai người khác có mặt tại nghĩa địa cũng đồng tình :

– Đúng rồi đấy, hai bác bắt tay làm hòa đi…..Con cái cũng lớn cả rồi, cãi nhau thế người ta cười cho….

Ông Kha nhìn bà con trong thôn chung tay làm đám ma, đào huyệt chôn cất cho bố con ông Nhẻm mà thấy ấm lòng….Mới chiều tối hôm qua ai cũng sợ đến thất kinh bạt vía, thế nhưng hôm nay khi được thông báo đã đưa được xác thằng Nhút lên, các cụ trong làng cũng đồng ý trích kinh phí lo ma chay cho bố con ông Nhẻm, giờ cần vận động bà con chung sức trong việc chôn cất…..Ban đầu ông Kha tưởng mọi người sợ mà sẽ không dám đến, nhưng không ngờ, sau đó mọi người đến khá đông….Nhờ vậy nên việc đào huyệt, đắp mộ mới diễn ra thuận lợi.

Nhìn quanh 1 lượt không thấy Thuận đâu, ông Kha mới hỏi cô Tình :

– Cô có thấy thằng Thuận đâu không ? Nó bảo về nhà 1 chút mà chưa thấy quay lại….Không biết có chuyện gì không đây ?

Cô Tình đáp :

– Em không thấy bác ạ, lúc đi thấy nó chạy vội lắm…

Ông Kha chép miệng sực nhớ :

– À thôi chết, hình như chiều nay nó phải đi làm….Lúc sáng tôi nhớ mang máng nó nói chỉ xin nghỉ buổi sáng thôi….Có khi thế nên là vội chạy về đi làm đấy. Khổ thân nó, 7 năm nay tôi vẫn canh cánh chuyện nhà nó…..Kể ra thì nhà Nhẻm vẫn còn may mắn khi chết còn có áo quan chôn tử tế. Bà ngoại thằng Thuận năm ấy chỉ cuốn đúng cái chiếu và 1 tấm vải bạt….Phải chi hồi đó có dư dả thì tôi cũng vận động bà con lo cho bà cụ cái áo quan.

Cô Tình thở dài tiếc nuối :

– Vâng, nhắc lại chuyện cũ mà thấy thương thằng bé….Bố mẹ mất sớm, nghĩ khổ thân cụ Ngần, ngày đó cụ có cô con gái là mẹ thằng Thuận nổi tiếng xinh đẹp. Bao nhiêu đám trên phố huyện về hỏi cưới mà chẳng hiểu sao cái Thư nó lại không chịu. Đùng 1 cái cưới 1 gã chẳng đâu vào đâu, xong đưa nhau đi buôn, đi bán hàng gì mà tận biên giới chết mất cả xác….Mà cũng không biết là có chết thật không ? Chuyện vợ chồng cái Thư chết cũng chỉ được nghe cụ Ngần nói. Có khi lại bỏ con rồi vượt biên cũng nên…

Ông Kha đáp :

– Ấy chết, cô Tình nói vậy tội người ta…..Chẳng ai lại đem chuyện con cái mình chết ra để đùa….Nhà cụ Ngần từ xưa là người sống có đạo đức, chồng cụ hi sinh trong chiến tranh, cụ 1 mình sống vậy nuôi cô con gái nhất quyết không đi thêm bước nữa mặc dù thời điểm ấy nghe bảo cụ cũng sắc nước hương trời…..Nói đâu xa, cứ nhìn cô Thư là biết. Cô Thư cũng là người hiền lành, hiếu thuận…..Tôi không nghĩ cô ấy lại bỏ con cho mẹ già mà đi biệt tích đâu. Nhưng mà nghĩ lại, đúng thật không hiểu sao cô ấy lại đồng ý cưới 1 gã lang thang đến thôn mình, còn là ở rể nhà cụ Ngần…..Ngày đó mà không có các cụ trong làng vì thương hoàn cảnh cụ Ngần mà ra lệnh cấm thì đám thanh niên không chỉ thôn này mà mấy thôn lân cận chắc không để yên cho anh ta.

Cô Tình nhìn ngang, nhìn dọc đoạn hỏi nhỏ ông Kha :

– Mà bác Kha này, em nhớ hồi đó chồng cái Thư là người Hoa phải không ạ ? Nhìn mặt như mấy tay người “Ba Tàu”, mà còn biết nói cả tiếng Trung nữa…..Có lần em nghe thấy hai vợ chồng họ nói chuyện mà xì xà xì xồ, hỏi cái Thư thì nó bảo chồng nó đang dạy nó nói tiếng Trung.

Ông Kha trả lời :

– Cũng không hẳn là người Hoa, chậc, nói thế nào nhỉ ? Kể ra thì chồng cô Thư là người gốc Việt vì có mẹ là người Việt Nam, đẻ ở Việt Nam…..Nhưng mà bố đúng là người Hoa….Hồi ấy tôi làm văn thư nên lúc hai người bọn họ lên xin đăng ký kết hôn tôi có xem qua lý lịch. Tuy ở rể nhà cụ Ngần nhưng nói gì nói, chồng cô Thư cũng cao ráo, khuôn mặt sáng sủa, mà rất trắng nhé….Thằng Thuận có đôi mắt giống hệt bố nó hồi còn trẻ. Mà thôi, nãy giờ cứ đứng đây buôn chuyện….Cô xem chuyện cơm nước thế nào, lát nữa đắp mộ xong mọi người còn có cái ăn.

Mải đứng tám chuyện với ông Kha mà cô Tình quên béng việc đang làm. Cô Tình cười xòa rồi vội chạy đi phụ giúp việc bếp núc, nấu nướng…..Khoảng 3 rưỡi chiều việc mai táng, chôn cất cho bố con ông Nhẻm đã hoàn tất….

[........]

Về phần Thuận, đầu giờ chiều Thuận sang tới thôn Phượng Nghĩa……Trời tắt nắng, mây đen bắt đầu kéo đến….Đứng trước gốc cây gạo ở đầu thôn, Thuận không thấy bà hàng nước đâu cả….Gốc cây trống trơn, hôm nay bà hàng nước không bán hàng.

Một mình đi vào trong thôn, đường cũng khá vắng, có vẻ như sợ trời sắp mưa nên chẳng ai ra ngoài…..Đi thêm 1 đoạn thì Thuận gặp mấy người vai vác cuốc, tay cầm xẻng bước hối hả….Là người đi làm ngoài đồng về.

Thuận chạy tới hỏi :

– Bác ơi, cho cháu hỏi…

Người đàn ông trung niên hạ cái cuốc xuống, mặt cau có :

– Hỏi gì hỏi nhanh, sắp mưa rồi đây này….Tao còn phải về thu thóc….Trời với đất, trưa mới nắng vỡ đầu mà giờ đã chuẩn bị mưa được ngay…

– Dạ, bác cho cháu hỏi nhà thầy Xạ….Hôm trước cháu có đến đây 1 lần mà giờ không nhớ đường..- Thuận nói.

Ông bác nghe Thuận hỏi nhà thầy Xạ thì vội vác cuốc lên vai tính bước đi luôn, còn không quên gắt gỏng :

– Thôi…thôi, tránh ra…..Tao không biết gì cả….Muốn tìm mày tự đi mà tìm ?

“ Tách….Tách….Tách “

“ Rào….Rào….Rào “

Trời đổ mưa, mấy người đi trên đường ai nấy chạy vội vàng…..Thuận muốn hỏi đường mà chẳng có ai chịu đứng lại chỉ giúp…..Đang loay hoay tìm chỗ trú mưa thì Thuận thấy trước mặt có người cầm ô đi tới. Mưa mỗi lúc 1 nặng hạt, trời thì mới khoảng hơn 3h chiều mà tối như 6h tối…..Phải bước thêm vài bước Thuận mới nhận ra người cầm ô có dáng dấp rất giống với con gái của bà hàng nước. Vẫn là khuôn mặt luôn cúi xuống nhìn dưới đất, tay cầm ô.

Đúng như đang buồn ngủ thì gặp chiếu manh, như đang chới với giữa dòng thì vớ được cọc….Thuận lau nước mưa trên mặt, tươi cười bắt chuyện :

– Cô…là con gái của bà hàng nước hôm qua phải không ? Cô nhớ tôi chứ ?

Cô gái lấy ô che mưa cho Thuận, đứng bên trong chiếc ô màu đen, Thuận lúc này mới nhìn được cận mặt cô gái…..Dung mạo xinh đẹp, những lọn tóc ướt nhẹ vương trên đôi gò má lấm tấm vài hạt mưa khiến Thuận bồi hồi, xao xuyến…

– Em tên Hương, thầy Xạ nhờ em ra đây để đón anh…..Đi theo em…

Thuận có chút bất ngờ khi cô gái nói thầy Xạ nhờ cô ta ra đón mình….Nhưng nghĩ lại chuyện xem bói ngày hôm qua, thầy Xạ phán chuẩn tất cả những gì mà Thuận đang lo lắng, thế nên chuyện này cũng không có gì là lạ.

Thuận gật đầu :

– Vậy…nhờ Hương dẫn đường giúp….

Hai người che chung 1 chiếc ô đi trên con đường trong thôn Phượng Nghĩa……Mưa to nên bà con trong thôn hối hả chạy từ đồng về nhà. Đi qua Thuận, chẳng hiểu sao mà ai cũng ngoái lại nhìn……Nhưng họ chỉ nhìn chừng 1 giây xong vội vã quay đi, có người lúc đi qua Thuận còn phải nhắm mắt chạy thật nhanh.

Thuận buột miệng :

– Chắc do tôi không phải người trong thôn nên họ lạ thì phải….?

Cô gái tên Hương khẽ đáp :

– Không phải đâu ạ…..Là họ đang sợ em đấy…..

Advertisement